Artist: Trung Nghĩa và các cộng sự
Triển lãm lần này gồm 6 tác phẩm lớn, lấy vật liệu từ mây, tre, dầu rái địa phương, kết hợp với lối xử lý truyền thống, toàn bộ chi tiết đều được trau chuốt bởi bàn tay, kinh nghiệm của những thợ thủ công lớn tuổi, những người còn sót lại của một thế hệ sống gắn bó với vào màu xanh của cây cỏ quê hương. Họ vốn là những nông dân, sống bằng đủ nghề, nhưng sắc sảo nhất là mây tre, đan lát, đan từ giỏ gà, thúng, nia, ghe, rọ heo… Cho đến làm nhà, làm phên giậu. Họ thủ đắc những kỹ năng vừa cơ bản vừa khoa học, tinh tế của nhiều người Việt ngày xưa, vốn thích sống thuận với tự nhiên và môi trường của văn minh nông nghiệp, lúa nước, thủ công mỹ nghệ nhà nông.
Trung Nghĩa đã cùng các nghệ sĩ dân gian này tạo ra các tác phẩm, vốn khác với những gì họ thường làm, khác những vật dụng có tính hữu dụng đời thường, nên bên cạnh sự băn khoăn, tự hỏi, họ còn có cảm xúc của việc làm ra cái gì đó mới mới, tò mò về tính hiệu dụng và cả thăm dò về sự ứng ý của người nghệ sĩ. “Bác thấy con tốn tiền tốn sức quá, mà làm ra cái ghe như ri, đâu có bơi sông được, thấy ngại quá con ơi”. Trung Nghĩa kể những câu nói như thế này là anh thường xuyên nghe, nhiều lúc phải vừa năn nỉ vừa động viên, mấy bác thợ mới chịu làm tiếp.
Như thế, nát giỏ còn bờ tre mất gần bốn năm trời để dần thành hình, và cuộc bày biện hôm nay, chính là kết quả đó.Trong những thời khắc dù đen tối, bi thương của con người, “bờ tre” xanh ngắt bảo bọc và che chở chúng ta, rồi mọi thứ, cũng sẽ bằng bàn tay và tinh thần lạc quan, sẽ được xây dựng trở lại. Như cách dân tộc Việt mình tồn tại từ ngàn năm qua.
(*) Về tên gọi Nát giỏ còn bờ tre. Trong các văn ngôn dẫn chứng và các phái sinh từ đời sống, câu “Nát giỏ còn bờ tre” có khi là “Nát giỏ còn tre”, ví dụ “Phận người nát giỏ còn tre/ Phận ta nát gỗ nhánh nè cũng không” - ca dao. Đôi khi còn có các dị bản như “Nát phên còn tre”, “Nát vỏ còn bờ tre”, “Nát giậu còn bờ tre”…, ví dụ “Giậu kia rách nát hãy còn bờ tre” - ca dao. Nhưng ở đây chúng tôi chọn câu “Nát giỏ còn bờ tre”.